Nơm nớp trong những tòa nhà nghiêng: Đau đáu ngày trở về
Đăng ngày: 12/07/2019
Ông Hoàng Danh Ti trong căn hộ tạm cư. Ảnh: P.V
Niềm vui nơi tạm cư
Ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết, cũng như các khu tập thể (KTT) khác, khi cư dân của phường rời đến nơi tạm cư, UBND phường đã làm đúng quy trình, có văn bản xác nhận rõ việc đến tạm trú.
Do các hộ dân vẫn giữ sổ đỏ nhà, nên dù có chuyển đi thì căn hộ vẫn là của họ. “Hiện nay, không chỉ cư dân của G6A Thành Công mà những cư dân của các KTT còn lại hầu hết tạm cư tại lô E, Khu đô thị Yên Hòa thuộc quận Cầu Giấy”- ông Lâm cho biết.
Đến khu tạm cư, thấy nơi đây nằm ở vị trí gần trung tâm của quận Cầu Giấy nên khá thuận lợi trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân như mua sắm, trường học, bệnh viện…
Khu nhà các cư dân ở cao hơn chục tầng, nằm trong khuôn viên rộng của Khu đô thị Yên Hòa. Ngay cổng vào, hai bảo vệ được cắt cử ghi, nhận vé xe của người ra vào và kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ tòa nhà.
Tầng 1 có nơi làm việc của Ban quản lý tòa nhà, có biển thông báo về đường dây nóng của công an, bảo vệ và chỗ gửi xe máy, xe đạp của người dân.
Bên cạnh những ưu điểm, khu tạm cư cũng cho thấy sự xuống cấp dù thời gian sử dụng chưa lâu. Phần gạch lát sân trước mặt và hai sảnh tòa nhà bị vỡ, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Đường nước có chỗ bị rò rỉ, chảy ướt một góc sân...
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Nghĩa, một cư dân trước đây sống tại KTT G6A Thành Công. Ông Nghĩa cho hay, gia đình ông đến tạm cư đầu năm 2018, nếu so với nhà cũ thì căn hộ 68m2 đang ở rộng rãi, thoáng mát hơn.
Căn hộ có 2 phòng ngủ, phòng khách rộng rãi, khu bếp và nhà vệ sinh bố trí phù hợp. “Dù vậy, trong quá trình sử dụng căn hộ phát sinh một số vấn đề như nền nhà vệ sinh chống thấm chưa tốt khiến nước chảy ra phòng khách và bếp. Tường ở phòng khách, phòng ngủ dần chuyển màu… Do vậy gia đình tôi phải bỏ ra một số tiền tu bổ lại căn hộ để sớm ổn định cuộc sống”- ông Nghĩa cho hay.
Từng khốn khổ vì 7 nhân khẩu chen chúc trong diện tích 42m2 ở đơn nguyên 1, nhà A Ngọc Khánh, giờ đây gia đình ông Trần Văn Dương chuyển tới nơi tạm cư với 3 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 khu bếp trong căn hộ rộng 120m2.
Không gian tầng 10 tòa nhà thoáng đãng, ông Dương cùng gia đình không còn phải chịu cái nóng như lò đốt vào mùa hè, nước thấm dột khi mưa xuống như nơi ở cũ.
Đường sá quanh khu tạm cư rộng rãi, gần công viên nên vợ chồng ông Dương có thể thoải mái tập thể dục, đi bộ mỗi sáng và chiều tối.
Thay vì phải đi xa gửi ô tô như trước, con ông Dương có thể gửi trong khuôn viên của tòa nhà. Trường học đối diện cổng tòa nhà, thuận tiện để hai cháu của ông có thể tự đến lớp mà không cần người đưa đón.
Đồng ý một số chi tiết trong tòa nhà bị hỏng mà Ban quản lý chưa kịp thời thay thế, song ông Dương cho rằng, cuộc sống ở nơi tạm cư tốt, an toàn hơn nơi cũ.
Khát khao ngày trở về
Hôm đến KTT C8 Giảng Võ, chúng tôi gặp ông Hoàng Danh Ti (79 tuổi), một cư dân đã chuyển đến nơi tạm cư, nhưng nay trở về nơi cũ để gặp bạn bè.
Ông Ti cho biết: “Căn hộ mới tại Khu đô thị Yên Hòa rộng rãi hơn, nhưng gia đình tôi vẫn gặp khó khăn để ổn định cuộc sống”. Rồi ông chia sẻ thêm: Thời còn ở KTT C8 Giảng Võ, chúng tôi có thể buôn bán một số mặt hàng nhỏ, cộng với khoản lương hưu đủ đảm bảo cuộc sống. Khi cơ quan chức năng đánh giá KTT ở mức độ nguy hiểm, cộng thêm nơi ở chật chội nên gia đình đồng ý chuyển đến khu tạm cư này.
Theo hẹn, chúng tôi đến khu tạm cư để gặp ông Ti. Trong căn phòng 70m2, ông Ti cho biết căn hộ hiện có 3 người. Con gái ông và đứa cháu ngoại hiện bán nước cách khu tạm cư chừng một cây số để kiếm sống, còn ông sức khỏe yếu nên chỉ giúp được việc nhẹ trong nhà.
“Ba triệu lương hưu của tôi không đủ chi tiêu. Con và cháu đến nơi ở mới kiếm sống khó khăn hơn, thu nhập không được như trước nên cuộc sống gia đình khá vất vả”, ông Ti chia sẻ.
Rồi ông cho biết thêm, thực tế tại khu tạm cư, có một số hộ gia đình sau khi chuyển đến không có công việc ổn định phải cho thuê lại nhà, sau đó họ trở về KTT cũ để buôn bán lặt vặt, mưu sinh.
Trò chuyện với ông Nghĩa, ông Ti và một số người dân khác của khu tạm cư, chúng tôi thấy họ đều mong muốn các KTT cũ sớm được xây dựng lại để được về nhà của mình, bởi dù sao đây cũng chỉ là nơi tạm cư.
Đề cập đến việc KTT G6A Thành Công, ông Nguyễn Văn Nghĩa bày tỏ: “Tôi mong các cơ quan chức năng sớm kiểm định lại khu nhà này. Nếu vẫn ở cấp độ D thì nhanh chóng tiến hành xây mới để chúng tôi sớm được trở lại nhà của mình”.
Giấc mơ trở về của ông Ti còn cháy bỏng hơn. “Chuyển đến chỗ mới gần 2 năm, nhưng những lúc rảnh rỗi hoặc cuối tuần tôi lại trở về C8 Giảng Võ, nơi gắn bó với cuộc đời mình để được gặp gỡ, trò chuyện với những người quen thân và nhìn lại căn nhà cũ. Thời gian trôi qua đã lâu nhưng chưa thấy cơ quan chức năng có động thái để xây mới. Chẳng biết đời tôi còn có thể chờ được nữa không?”- ông Ti ngậm ngùi.
Quá trình quy hoạch, xây mới các KTT cũ cần sớm triển khai để các hộ dân được nhanh chóng trở về. Với tâm lý của nhiều người dân nơi đây, khu tạm cư dù tốt vẫn là nơi ở nhờ, nên họ luôn đau đáu ngày được trở về ngôi nhà nơi lưu giữ những kỷ niệm khó quên của cuộc đời mình…
Các hộ dân cho biết, khi rời KTT cũ, tùy vào nhân khẩu, diện tích căn hộ họ sẽ được cơ quan chức năng hỗ trợ một khoản tiền để di chuyển đến nơi tạm cư.
Tại lô E, Khu đô thị Yên Hòa, ngoài phí dịch vụ như môi trường, gửi xe, vệ sinh… các gia đình không phải đóng thêm khoản tiền nào khác. Các hộ được sống lâu dài tại nơi tạm cư, khi nào xây xong KTT họ sẽ trở về nhà mới.
Khu tạm cư của nhiều hộ dân sau khi rời các khu tập thể cũ. Ảnh: P.V
Dự án bạn quan tâm