TP.HCM: Nguy cơ chậm tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỉ

Đăng ngày: 10/07/2019

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện doanh nghiệp thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng cho biết: “Theo tiến độ bàn giao giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án là dự kiến đến ngày 30-6. Tuy nhiên, mốc thời gian này đến nay đã không kịp. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy nhanh công tác này trong thời gian sắp tới”.

Còn 69 hộ dân và 2 tổ chức

Thống kê mới nhất của đơn vị thực hiện dự án (tính đến trước ngày 29-6), với bảy hạng mục công trình là đê kè, các cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định thì còn đến 69 hộ dân và hai tổ chức chưa bàn giao mặt bằng cho dự án.

Trong đó, huyện Nhà Bè là địa phương đang gặp khó nhất trong công tác bàn giao GPMB cho chủ đầu tư với 22 hộ dân, hai tổ chức còn vướng thuộc công trình đê kè.

Bên cạnh đó có 35 hộ dân ở khu vực thi công cống Mương Chuối. Huyện Bình Chánh còn bốn hộ dân ở khu vực cống Cây Khô chưa bàn giao, quận 8 còn sáu hộ dân ở cống Phú Định, quận Nhà Bè còn hai hộ ở khu vực cống Phú Xuân.

Các cuộc họp trước đó của các bên về vấn đề GPMB, UBND huyện Nhà Bè cũng thừa nhận không thể bàn giao kịp mặt bằng cho chủ đầu tư trong thời hạn ngày 30-6 vì còn nhiều trường hợp vướng pháp lý. Huyện này cho hay đang chờ TP phê duyệt giá đất để tiếp tục thương lượng.

Còn phía quận 8 cho biết công tác GPMB còn vướng mắc ở chỗ có những trường hợp trên thực tế là đất ở nhưng theo hồ sơ pháp lý là đất nông nghiệp nên quận đang chờ xin ý kiến Sở TN&MT để áp giá bồi thường cho các hộ này.

Trong nhiều cuộc họp giải quyết vấn đề GPMB với các cơ quan chức năng của TP, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, cho biết quận/huyện cùng nhà đầu tư đã vận động rất nhiều nhưng vẫn còn một số hộ nhỏ lẻ đang chờ làm đúng thủ tục để bàn giao mặt bằng.

“Tất cả đều phụ thuộc vào việc có mặt bằng nhanh hay không, nếu quận/huyện giao mặt bằng đúng ngày 30-6 thì nhà đầu tư cũng cam kết đưa dự án vào hoạt động trong quý I-2020, còn nếu càng kéo dài thì dự án càng chậm tiến độ” - ông Tiến nói.

Công nhân đang thi công trên công trường cống Mương Chuối của dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng. Ảnh: KC

Sẽ cưỡng chế các hộ chây ỳ

Trong động thái mới nhất liên quan đến dự án này, UBND TP.HCM vừa ra văn bản yêu cầu các quận/huyện tập trung chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp xúc, vận động các hộ dân chịu ảnh hưởng tại các vị trí mặt bằng bàn giao thi công.

Cụ thể, UBND TP.HCM yêu cầu hạn chế tối đa các trường hợp cần phải cưỡng chế. Đồng thời cũng chuẩn bị kỹ các thủ tục để tổ chức cưỡng chế đối với các hộ dân không tự nguyện bàn giao mặt bằng cho việc thi công xây dựng.

UBND các quận/huyện liên quan cũng cần khẩn trương phối hợp chủ đầu tư lập phương án di dời (huy động nguồn lực tại địa phương để hỗ trợ tháo dỡ, bố trí phương tiện di dời...). Bên cạnh đó cần hỗ trợ tối đa cho các hộ dân di dời.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần chuẩn bị sẵn quỹ nhà bố trí tái định cư, tạm cư để đảm bảo thủ tục pháp lý thu hồi đất; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay sau khi hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể được phê duyệt, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất có thể.

“Đề nghị Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 tập trung quan tâm, phối hợp phường/xã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân đã bàn giao mặt bằng yên tâm, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Tạo sự đồng thuận, ủng hộ chủ trương thực hiện dự án trên của TP” - văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.

Đã đạt tiến độ hơn 77%

TP.HCM có diện tích hơn 2.000 km2, trong đó hơn 1.330 km2 (63%) có cao độ dưới 1,5 m là nơi có địa hình thấp, chịu tác động trực tiếp từ triều biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập.

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² và khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Dự án có tổng diện tích GPMB là 180 ha, số tiền bồi thường là hơn 500 tỉ đồng, ảnh hưởng đến 229 hộ dân và 23 tổ chức. Tính đến giữa tháng 6, dự án đã đạt tiến độ hơn 77%.

Dự án bạn quan tâm